Thông tin thuốc
THÔNG TIN THUỐC RIVAROXABAN
[ Cập nhật vào ngày (10/11/2021) ] - [ Số lần xem: 1185 ]


THÔNG TIN THUỐC RIVAROXABAN 

 

Loại thuốc:  Thuốc chống huyết khối-ức chế trực tiếp yếu tố Xa.

Dạng thuốc: Viên nén bao phim 10mg, 15mg, 20mg.

1. DƯỢC LÝ VÀ CƠ CHẾ TÁC DỤNG:

Cơ chế tác dụng:

Rivaroxaban là một chất ức chế chọn lọc yếu tố Xa mà không cần một đồng yếu tố (chẳng hạn như Anti-thrombin III). Rivaroxaban ức chế hoạt động của prothrombinase và yếu tố Xa tự do. Rivaroxaban không có tác dụng trực tiếp lên sự kết tập tiểu cầu, nhưng ức chế gián tiếp  sự  kết tập tiểu cầu gây ra bởi thrombin bằng con đường ức chế tạo thrombin.

Tác dụng dược lực học:

Sự ức chế hoạt tính yếu tố Xa phụ thuộc liều của rivaroxaban. Thời gian Prothrombin (PT) bị ảnh hưởng theo liều của rivaroxaban sử dụng có sự tương quan chặc chẽ với nồng độ huyết tương nếu dùng neoplastin để thử. Thời gian hoạt hoá một phần thrombolastin (aPTT) và HepTest cũng bị kéo dài phụ thuộc vào liều dùng; tuy nhiên không khuyến cáo sử dụng các chỉ số này để đánh giá tác dụng dược lực của rivaroxaban. Hoạt tính đối kháng yếu tố Xa củng bị ảnh hưởng bởi rivaroxaban.

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng của rivaroxaban phụ thuộc vào liều dùng. Ở liều 10mg sinh khả dụng đường uống  khoảng 80-100% không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ tối đa  của rivaroxaban đạt được sau 2-4 giờ dùng thuốc. Dược động học của thuốc không bị ảnh hưởng bởi các thuốc làm thay đổi PH dạ dày.

Phân bố: Thuốc gắn kết cao với protein huyết tương 92-95% chủ yếu với thành phần Albumin.

Chuyển hoá: thuốc được chuyển hoá bởi CYP3A4/5 và CYP2J2.

Thải trừ: 2/3 liều rivaroxaban được thải trừ dưới dạng chất chuyển hoá không hoạt tính qua phân và nước tiểu. 1/3 liều còn lại được thải trừ trực tiếp qua thận dưới dạng hoạt chất không đổi trong nước tiểu chủ yếu qua bài tiết tích cực qua thận. Thời gian bán thải của rivaroxaban khoảng 5-9 giờ ở người trẻ và 11-13 giờ ở gười cao tuổi.

2. CHỈ ĐỊNH:

- Giảm nguy cơ đột quỵ và tắc mạch toàn thân ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh lý van tim.

- Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu.

- Điều trị tắc mạch mạch phổi.

- Giảm nguy cơ tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi sau 6 tháng điều trị.

- Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu ở các bệnh nhân tiến hành phẩu thuật đầu gối hoặc thay khớp háng.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

- Bệnh nhân đang chảy máu bệnh lý hoặc có nguy cơ chảy máu trên lâm sàng.

- Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin < 15ml/phút.

- Bệnh nhân suy gan vừa, suy gan nặng hoặc có bất kỳ bệnh gan nào liên quan đến rối loạn đông máu.

- Phụ nữ có thai.  

4. CÁCH DÙNG VÀ LIỀU LƯỢNG:

Cách dùng:

- Không được  nhai, bẻ, nghiền viên thuốc, có thể dùng cùng với thức ăn hoặc không.

- Chuyển tư warfarin sang rivaroxaban: Bệnh nhân đang dùng warfarin khi chuyển sang rivaroxaban phải ngừng warfarin và bắt đầu sử dụng rivaroxaban khi chỉ số xét nghiệm INR dươi 3.0 để tránh thời kỳ kháng đông không đầy đủ.

- Chuyển từ thuốc chống đông khác warfarin sang rivaroxaban: bắt đầu rivaroxaban 0-2 giờ trước liều buổi tối theo lịch tiếp theo của thuốc và  bỏ liều của các thuốc chống đông khác. Đối với heparin không phân đoạn tiêm truyền liên tục, dừng truyền và bắt đầu ngay rivaroxaban.         

Liều dùng:

Chỉ định

Liều dùng

          Giảm nguy cơ đột quỵ và tắc  mạch toàn thân ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh lý van tim.

- CrCL>50ml/phút : 20mg/1 lần/ngày lúc ăn tối.

- CrCL 15-50ml/phút : 15mg/1 lần/ngày lúc ăn tối.

          Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi.

- 15mg x 2 lần/ngày cùng với thức ăn trong 21 ngày. Sau đó 20mg/lần/ngày để điều trị duy trì.

          Giảm  nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi.

- 20mg/1 lần/ngày lúc ăn tối.

 

          Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân tiến hành phẩu thuật đầu gối hoặc thay khớp háng.

- Thay khớp háng : 10mg/lần/ngày trong 35 ngày.

- Thay khớp gối : 10mg/lần/ngày trong 12 ngày.

 

5. TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN (ADR):

- Chảy máu (thường gặp).

- Mệt mõi, Rối loạn tiêu hoá, Đau hầu họng.

- Nhiễm trùng và ký sinh trùng: viêm xoang,  nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Rối loạn cơ xương khớp và mô liên kết: đau lưng , viêm xương khớp, co cơ.

- Vết thương tiết dịch.

- Rối loạn hệ thần kinh: ngất, xuất huyết não, tụ máu ngoài màng cứng, liệt nữa người.

- Rối loạn da và mô dưới da: ngứa, mề  đai, hội chứng Stevens- Johnson.

- Mất bạch cầu hạt và giảm tiểu cầu.

- Rối loạn gan mật: vang da, ứ  mật, viêm gan.

- Rối loạn hệ miễn dịch:  sốc phản vệ, phù mạch.

Thận trọng:

- Nguy cơ huyết khối: Ngưng sử dụng sớm thuốc chống đông đường uống làm tăng nguy cơ huyết khối.

- Nguy cơ chảy máu: Cần quan sát cẩn thận các dấu hiệu chảy máu như:

+ Rối loạn chảy máu bẩm sinh hay  mức phải.

+ Tăng áp lực động mạch nghiêm trọng không kiểm soát được.

+ Bệnh đường tiêu hoá.

+ Bệnh lý võng mạc mạch máu.

+ Giản phế quản hay có tiền sử xuất huyết phổi.

- Bệnh nhân suy thận: Bệnh nhân suy thận nặng creatinin <30ml/phút nồng độ rivaroxaban có thể tăng và gây chảy máu. Cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá kịp thời.

- Bệnh nhân có van tim giả: Rivaroxaban không được khuyến cáo trên bệnh nhân này.

- Bệnh nhân thuyên tắc phổi có động lực máu không ổn định hoặc bệnh nhân cần làm tan huyết khối hoặc mở phổi: Rivaroxaban không được khuyến cáo trên bệnh nhân này.

- Gây tê tuỷ sống (ngoài màng cứng/tuỷ sống):

 Bác sĩ cần cân  nhắc giửa lợi ích và nguy cơ trước khi gây tê tuỷ sống ở bệnh nhân có dùng thuốc chống đông hoặc phải dùng thuốc chống đông để ngăn ngừa huyết khối. Không được rút catether ngoài  màng cứng sớm hơn 18 giờ kể từ lần cuối cùng dùng rivaroxaban. Không sử dụng rivaroxaban sớm hơn 6 giờ sau khi rút catether. Nếu tổn thương do chọc, cần trì hoản việc sử dụng rivaroxaban tới 24 giờ sau.

- Người cao tuổi: sử dụng thận trọng rivaroxaban ở bệnh nhân cao tuổi vì có thể tăng nguy cơ chảy máu.

- PNCT và cho con bú: chưa có dữ liệu nghiên cứu.

- Người lái xe, vận hành máy móc: thuốc có thể gây ngất và chóng mặt.       

6. TƯƠNG TÁC THUỐC:

Thuốc cảm ứng/ức chế Cytochrom P450 3A4 và hệ thống vận chuyển thuốc:

- Các loại thuốc cảm ứng enzym  như: rifampicin, phenytoin, carbamazepin, phenobarbital làm giảm  nồng độ rivaroxaban trong huyết tương dẫn đến giảm hiệu quả điều trị của thuốc.

- Các thuốc ức chế enzym như: ketoconazol, itraconazol, indinavir, clarithromycin làm tăng nồng độ rivaroxaban trong huyết tương có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trên lâm sàng.

Thuốc chống đông:

- Trong một nghiên cứu: liều duy nhất Enoxaparin 40mg tiêm dưới da và rivaroxaban 10mg được dùng đồng thời dẫn đến làm tăng hiệu ứng đối kháng yếu tố Xa. Enoxaparin không ảnh hưởng đến dược động học của rivaroxaban.

- Trong một nghiên cứu khác: liều duy nhất warfarin15mg và rivaroxaban 5mg dẫn đến tăng hiệu ứng ức chế yếu tố Xa và PT. Warfarin không làm ảnh hưởng đến dược động học rivaroxaban.

Thuốc kháng viêm NSAID/ Aspirin:

- Các thuốc kháng viêm NSAID làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng đồng thời cùng với rivaroxaban. Trong một nghiên cứu  với liều duy nhất cho thấy không tương tác dược động , dược lực khi dùng đông thời với naproxen với rivaroxaban.

Clopidogel: dùng đồng thời clopidogel với rivaroxaban có thể làm tăng nguy cơ chảy máu lên đến 2 lần so với dùng đơn lẻ từng thuốc. Không có sự thay đổi về được động học của mỗi thuốc.

         

Tài liệu tham khảo:

1.     Tờ hướng dẫn sử dụng của các thuốc kèm theo.




DS. Đặng Xuân Đào Theo Nguồn: Tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc Rivaroxaban 20mg của công ty cổ phần dược phẩm MEDBOLIDE



Các ý kiến của bạn đọc





LIÊN HỆ

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN PHƯỚC LONG
Địa chỉ: Ấp Long Thành, Thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu

Điện thoại: (84-0291)3 864 279
Cấp cứu: 02913.864.191

Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 18/8/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI