Thông tin thuốc
Sử dụng thuốc kháng Histamin
[ Cập nhật vào ngày (21/09/2015) ] - [ Số lần xem: 14634 ]

Thông tin thuốc tháng 09/2015


SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG HISTAMIN 

I. Histamin là gì?

Histamin là chất sinh học có trong cơ thể ta, bình thường không gây rối loạn mà góp phần điều hòa hoạt động sinh lý của cơ thể. Histamin có thể được đưa từ bên ngoài vào cơ thể nhưng rất hiếm (chỉ khi nào ăn một số cá biển bảo quản không tốt, vi khuẩn phân hủy chất đạm của cá sinh ra histamin) mà đa phần histamin được sinh ra trong cơ thể gọi là histamin nội sinh. Histamin nội sinh được thành lập từ phản ứng khử carboxyl một acid amin là L - histidin. Do hằng ngày ta ăn chất đạm tức thường xuyên được cung cấp acid amin nên thường xuyên histamin sinh ra trong cơ thể nhưng không gây độc vì hầu hết chúng không ở dạng tự do mà kết hợp với một số chất khác chủ yếu là Heparin tạo thành phức hợp histamin – heparin không có hoạt tính. Chỉ khi nào có phản ứng kháng nguyên kháng thể đưa đến dị ứng, hoặc có tác động của các yếu tố khác như nhiệt độ (lạnh), tổn thương tế bào, hóa chất,…phức hợp histamin - heparin bị kích thích phóng thích ra histamin dạng tự do. Lượng histamin này vượt ngưỡng cho phép của cơ thể và gắn với những vị trí nhạy cảm gọi là thụ thể histamin tại tế bào đích gây ra phản ứng dị ứng.   

II. Phân loại

Có 3 loại thụ thể của Histamin

     Thụ thể H1 : được tìm ra vào năm 1966, là nơi histamin gắn vào gây hiệu ứng co thắt cơ trơn của phế quản, ruột nhưng làm dãn cơ trơn mạch máu (nếu dãn mạch trầm trọng sẽ gây sốc phản vệ), tăng tính thấm mao mạch gây phù nề, kích thích tận cùng dây thần kinh gây ngứa. Thuốc kháng Histamin H1 dùng để trị dị ứng, nôn mửa và rối loạn giấc ngủ.

     Thụ thể H2 : được tìm ra vào năm 1972 nằm trên màng tế bào viền ở niêm mạc dạ dày khi histamin gắn vào sẽ làm cho tế bào viền tiết ra HCl.

     Thụ thể H3 : được tìm ra vào năm 1983 hiện diện ở một số nơi trên hệ thần kinh trung ương với nhiệm vụ điều hòa sự tổng hợp và phóng thích histamin.

III. Thuốc kháng Histamin

     Định nghĩa: Thuốc kháng histamin là những chất có tác dụng làm giảm hoặc làm mất tác dụng của histamin bằng cách ức chế cạnh tranh với histamin trên các thụ thể của nó hoặc ngăn cản việc giải phóng ra histamin.

1. Thuốc kháng Histamin ở thụ thể H1.

Phân loại theo thế hệ: gồm 3 thế hệ

Thế hệ thứ 1: gồm các thuốc Chlorpheniramin, dexclorpheniramin, diphenhydramin, promethazin…Thuốc thế hệ 1 có hai bất lợi gây buồn ngủ và thời giantác dụng ngắn nên phải dùng nhiều lần/ngày.

Thế hệ thứ 2: gồm các thuốc Cetirizin, loratidin, fexofenadin, astemizol…Thuốc thế hệ này khắc phục được bất lợi  của thế hệ 1, thuốc thế hệ 2 không xâm nhập hệ thần kinh trung ương nên không gây buồn ngủ cũng như không gây tác dụng phụ liệt giao cảm, khô miệng, táo bón, rối loạn điều tiết mắt. Thời gian bán hủy dài,  một số thuốc chỉ dùng một lần/ngày như Cetirizin, loratidin.

Thế hệ thứ 3: gồm những thuốc là đồng dạng (isomer) hoặc chất chuyển hóa của các thuốc thế hệ thứ 2 như levocetirizin là đồng phân tả truyền của cetirizin, desloratadin chuyển hóa từ loratidin, tescasmizol chuyển hóa từ astemizol. Do là chất chuyển hóa nên thuốc thế hệ thứ 3 được cho là không gây buồn ngủ như thuốc thế hệ thứ 2 và đặc biệt không gây biến cố tim mạch như thuốc thuộc thế hệ trước nó, ngoài ra thuốc còn có tác dụng chống viêm nên trị viêm mũi dị ứng khá tốt.

a. Cơ chế tác động: thuốc kháng histamin ở thụ thể H1 thường được gọi tắt là thuốc kháng thụ thể H1 hoặc thuốc kháng Histamin có tác dụng chống lại hiệu ứng gây dị ứng của histamin bằng cách đối kháng tương tranh thuận nghịch với chất sinh học này tại thụ thể H1. Tức là, khi dùng thuốc kháng histamin, thuốc này sẽ tranh giành với histamin và chiếm lấy thụ thể H1, histamin không có chỗ gắn vào sẽ không gây hiệu ứng độc nữa.

- Khi histamin gắn vào thụ thể H1 sẽ gây các biểu hiện dị ứng như sau:

     + Trên hệ hô hấp: sổ mũi, hen suyễn (do co thắt khí quản).

     + Trên hệ tim mạch: Gây giãn mạch, hạ huyết áp, tăng co thắt cơ tim.

     + Trên da: nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù Quincke.

     + Trên mắt: làm viêm, đỏ kết mạc mắt.

     + Trên hệ tiêu hóa: tăng co thắt cơ trơn của ruột gây tiêu chảy.

b. Chỉ định

- Dị ứng:

     + Viêm mũi, xoang dị ứng

     + Mày đay, phù Quincke

     + Viêm kết mạc

     + Dị ứng thức ăn

- Say tàu xe, rối loạn tiền đình, nhức nữa đầu

- Giảm ho ở một số trường hợp

- Chống nôn ở người có thai

- Phụ trợ trong điều trị sốc phản vệ.

c.  Tác dụng phụ

- Buồn ngủ

- Táo bón, khô miệng, khô đường hô hấp

- Buồn nôn, ói mửa

- Giảm tiết sữa hay gặp ở các thuốc có tác dụng kháng serotonin

- Rối loạn điều tiết ở mắt

- Bí tiểu: gặp ở người bị u xơ tiền liệt tuyến

- Hạ huyết áp thế đứng

- Dị ứng.

Một số so sánh giữa kháng Histamin H1 thế hệ 1 và kháng Histamin H1 thế hệ 2

thong tin thuoc.png

2. Thuốc kháng Histamin thụ thể H2

a. Cơ chế tác đông: đối kháng cạnh tranh thuận nghịch với histamin tại receptor H2.

     - Khi histamin gắn vào thụ thể H2 , đặc biệt là ở tế bào thành dạ dày gây tăng tiết acid dịch vị, dễ dẫn đến loét dạ dày, tá tràng.

b. Dược động học:

     Cả 4 chất kháng H2 điều hấp thu nhanh ở ruột cimetidin, ranitidin và famotidin bị chuyển hóa qua gan lần đầu nên sinh khả dụng độ 50%, nizatidin ít bị chuyển hóa nên sinh khả dụng gần 100%. Cả 4 chất bị loại trừ bởi chuyển hóa ở gan, lọc qua cầu thận và bài tiết qua ống thận vì vậy cần giảm liều ở người suy thận vừa và nặng t1/2 =1,1 – 4 giờ.

c. Chỉ định:

- Trị chứng trào ngược dạ dày thực quản như ợ nóng khó tiêu.

- Bệnh loét dạ dày (đối với bệnh nhân loét dạ dày không biến chứng dùng kháng H2 ngày 1 lần lúc đi ngủ sẽ làm lành vết loét tỉ lệ > 80-90% bệnh nhân sau 6-8 tuần dùng thuốc).

- Loét dạ dày do thuốc NSAIDs: dùng trong trường hợp đã ngừng sử dụng NSAIDs.

- Phòng ngừa chảy máu dạ dày do stress.

d. Độc tính:

     Tác dụng phụ chỉ có 1 – 2% trường hợp, thường gặp nhất là tiêu chảy, táo bón, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, phát ban,… Cimetidin có nhiều tác dụng phụ nhất khoảng 5%, nizatidin ít nhất.

     - Trên nội tiết: Cimetidin kháng androgen và tăng tiết prolactin gây vú to ở đàn ông, chảy sữa không do sinh đẻ ở đàn bà khi dùng liều cao và lâu dài.

     - Giảm tiểu cầu có hồi phục là loại loạn tạo máu thường gặp nhất xảy ra cả 4 thuốc kháng H2.

     - Trên gan: Ứ mật có hồi phục do cimetidin, viêm gan do ranitidin.

     - Thời kỳ mang thai: Có tác dụng phụ với bào thai thú vật nên chỉ định cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.

     - Thời kỳ cho con bú: Cả 4 chất (cimetidin, ranitidine, famotidin, nizatidin) được bài tiết qua sữa nên có thể gây độc hại cho trẻ, cần thận trọng khi dùng trong thời gian cho con bú.

3. Những điều lưu ý trong sử dụng thuốc kháng Histamin.

     - Thuốc kháng Histamin chỉ trị triệu chứng dị ứng (ho, sổ mũi nước, nổi mề đay, ngứa…) chứ không điều trị được nguyên nhân. Cần tìm ra và loại trừ tác nhân gây dị ứng (thức ăn, thuốc, môi trường sống) thì mới trị được căn bệnh.

     - Tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc kháng histamin cổ điển có khi được dùng như chỉ định chính thức trị mất ngủ. Nên lưu ý chỉ dùng thuốc trong trường hợp này trong thời gian ngắn và lưu ý các bà mẹ không được dùng thuốc cho trẻ ngủ kéo dài. Trẻ dùng thuốc gây buồn ngủ kéo dài sẽ mệt mỏi, không phát triển tốt trí tuệ.

     - Nhiều thuốc trị cảm – sổ mũi, dị ứng hoặc trị ho, trong thành phần có chứa kháng histamin cổ điển gây buồn ngủ (như clorpheniramin, promethazine..) cần lưu ý người sử dụng về tác dụng gây buồn ngủ, tránh dùng thuốc nếu phải làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo và tránh uống rượu khi đang dùng thuốc. Hơn nữa, trong thuốc loại này còn chứa thêm thuốc làm co mạch, chống sung huyết ở niêm mạc mũi (như ephedrine, pseudoephedrin) cần tránh dùng ở người bị cao huyết áp, trẻ nhỏ.

     - Cyproheptadin không được dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú (thuốc ức chế sự tiết sữa), trẻ con dưới 2 tuổi. Tránh dùng cho người cao tuổi 

Tài liệu tham khảo:

- Nguyễn Hữu Đức: Sách dược lâm sàng; NXBYH (2008).

- Trần Thị Thu Hằng: Dược lực học; NXB Phương Đông (2010).

- Tài liệu chuyên khoa I chuyên ngành Dược lý

- DLS trường Đại học Y dược Cần Thơ.


 




Tổ thông tin thuốc



Các ý kiến của bạn đọc





LIÊN HỆ

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN PHƯỚC LONG
Địa chỉ: Ấp Long Thành, Thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu

Điện thoại: (84-0291)3 864 279
Cấp cứu: 02913.864.191

Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 18/8/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI