“Lú Lẫn” ở người già là gì?
1-Đại cương
Người dân thường gọi người già hay
quên các đồ vật, người thân,…là bị “lẫn” hoặc “lú lẫn” và không cần khám Bác sĩ
vì đây là chuyện bình thường của người già. Tuy nhiên, “lú lẫn” người già là một
bệnh lý gồm nhiều nguyên nhân gọi là sa sút trí tuệ (dementia). Đây là một hội chứng suy giảm
nhiều khả năng nhận thức đủ để gây cản trở hoạt động hàng ngày, công việc và
quan hệ xã hội; triệu chứng nổi bật nhất là giảm trí
nhớ với tính chất diễn tiến từ từ nặng dần không thể đảo ngược được.
2-Nguyên
nhân gây sa sút trí tuệ
Bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não là hai nguyên nhân
chiếm khoảng 90% các trường hợp sa sút trí tuệ theo tỷ lệ: 2 bệnh Alzheimer/1 bệnh
mạch máu não. Tuy nhiên, tỷ lệ Alzheimer/ sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não
thay đổi tùy theo khu vực. Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, trên 50% sa sút trí tuệ là bệnh
Alzheimer, sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ 20-30%. Trong khi
các nước Châu Á và một số nước đang phát triển, tỷ lệ sa sút trí tuệ do bệnh mạch
máu não thường gặp hơn chiếm đến 60% các trường hợp. Ngoài ra còn các nguyên
nhân ít gặp khác như: bệnh thể Lewy lan tỏa, tràn
dịch não áp lực bình thường, các hội chứng sau viêm não,...
3-Chẩn đoán sa sút trí tuệ
Theo DSM-IV bệnh nhân gọi là sa sút
trí tuệ khi:
A. Suy giảm nhận thức một trong hai
nhóm:
A1. Suy giảm trí nhớ (giảm khả năng học
các thông tin mới hoặc nhớ lại các thông tin đã học trước đây).
A2. Có rối loạn một (hoặc nhiều) nhận
thức sau:
+ Mất ngôn ngữ.
+ Giảm khả năng thực hiện các động tác
vận động dù chức năng cảm giác còn nguyên vẹn.
+ Không nhận biết hoặc xác định được đồ
vật dù chức năng cảm giác còn nguyên vẹn.
+ Rối loạn chức năng thực hiện các hoạt
động kết hợp (như lên kế hoạch, tổ chức, phân công theo trình tự).
B. Suy giảm nhận thức trong tiêu chuẩn
A1, A2 ảnh hưởng đến chức năng nghề nghiệp, xã hội so với trước.
C. Bệnh nhân không bị sảng, các rối loạn
không phải là biểu hiện của trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt.
4-Điều trị
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc
hiệu chủ yếu là điều trị làm giảm triệu chứng bệnh. Các thuốc được sử dụng như:
Galantamine (Reminyl), Donepezil (Aricept), Ginkgo biloba,…
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm
chậm thời gian tiến triển của bệnh như: bỏ thuốc lá, có chế độ ăn cân đối, tập
thể dục thường xuyên, tham gia sinh hoạt các hoạt động xã hội, điều trị tốt các
bệnh lý đi kèm: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đức Công (2012), Bệnh học người cao tuổi, Nhà xuất bản y học, tr. 193-264.
2. Phạm Thắng
(2010), Bệnh Alzheimer và các thể sa sút
trí tuệ khác, Nhà xuất bản y học, tr. 7-14.
3. May A Beydoun, Hind A Beydoun, Alyssa A Gamaldo
(2014), “Epidemiologic studies of modifiable factors associated with cognition
and dementia: systematic review and meta-analysis”, BMC Public Health, 14, pp. 643.