Nhiều bệnh tim mạch và mạch máu của não có liên
quan đến việc uống rượu, gây gia tăng đáng kể về tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong.
Trên thực tế, rượu có nhiều ảnh hưởng trên hệ tim mạch. Cả hai tình trạng
nghiện rượu cấp tính hay nghiện rượu mãn tính đều ảnh hưởng đến huyết áp của
người uống rượu. Nếu uống rượu nhiều và uống lâu dài có thể ảnh hưởng lên cơ
tim, từ đó sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, rung
nhĩ…
Rượu và chứng tăng huyết
áp
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên một
số lượng khá lớn bệnh nhân cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa việc uống
rượu và tăng huyết áp. Một công trình nghiên cứu tiến hành trên 4.626 đàn ông
và 4.647 đàn bà tuổi trung bình từ 20-59 của 32 quốc gia cho thấy: những đàn
ông uống từ 300-499 ml rượu mỗi tuần, tức trên 60 ml rượu mỗi ngày có huyết áp
tâm thu trung bình cao hơn những người không uống rượu là 2,7 mmHg của huyết áp
tâm thu và 1,6 mmHg huyết áp tâm trương. Những người đàn ông nào uống trên 500
ml rượu mỗi tuần sẽ có huyết áp tâm thu và tâm trương cao hơn những người không
uống rượu là 4,6/3. Trong khi những phụ nữ nếu uống trên 300 ml rượu mỗi tuần
sẽ có huyết áp cao hơn những phụ nữ không uống rượu là 3,9/3,1 mmHg.
Cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy: những người uống các loại
rượu có độ cồn cao, rượu nặng sẽ có biến chứng cao huyết áp nhiều hơn so với
những người uống các loại rượu có độ cồn thấp.
Rượu và bệnh thiếu máu
cơ tim
Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa
những người uống rượu bị bệnh thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên sự
liên quan này sẽ tỷ lệ nghịch với lượng rượu uống mỗi ngày. Có nghĩa là: uống
rượu vừa phải thì tỷ lệ bệnh thiếu máu và nhồi máu cơ tim sẽ giảm, còn nếu uống
nhiều rượu quá thì nguy cơ thiếu máu và nhồi máu cơ tim sẽ gia tăng. Ngoài ra,
rượu cũng làm giảm lượng chất Fibrinogen trong máu cũng như giảm quá trình kích
hoạt tiểu cầu, từ đó làm giảm khả năng hình thành các cục máu đông trong lòng
mạch. Vấn đề này có lẽ liên quan đến sự hiện diện của nhiều chất chống oxy hóa
trong rượu vang đỏ của Pháp. Đây là một lợi điểm đáng lưu ý của rượu vang đỏ.
Rượu làm rối loạn nhịp
tim
Người nghiện rượu nặng, sau những đợt uống nhiều
rượu, có thể có những đợt bị rối loạn nhịp tim, đặc biệt là ngoại tâm thu trên
thất. Người ta thường gọi Hội chứng ngày nghỉ lễ, nhằm để chỉ những rối loạn
nhịp tim ở những người có trái tim bình thường sau những đợt uống nhiều rượu
của những ngày nghỉ lễ hoặc hội hè. Ở những người dưới 65 tuổi thì uống nhiều
rượu sẽ là một nguyên nhân chính, chiếm đến 63% các trường hợp loạn nhịp tim
kiểu rung nhĩ.
Uống nhiều rượu có thể
gây suy tim
Rượu có thể gây tác hại trực tiếp trên cơ tim,
nhất là tâm thất bên trái và có thể dẫn đến suy tim. Một nguyên nhân nữa thúc
đẩy quá trình này là do trong khẩu phần ăn của những người nghiện rượu thường
thiếu vitamin B1, và sự thiếu hụt này sẽ dẫn đến suy tim. Người ta gọi những
trường hợp này là bệnh cơ tim do rượu.
Với các mạch máu ngoại
vi
Với các mạch máu ngoại vi như: động mạch đùi,
khoeo, cánh tay… thì rượu làm giảm bớt nhiều khả năng mắc bệnh. Một nghiên cứu
cho thấy: tỷ lệ người uống rượu mỗi ngày bị bệnh động mạch ngoại vi chỉ bằng
0,92 so với người không uống hay chỉ uống dưới 1 lần một tuần. Tác hại của
thuốc lá ở những mạch máu này rõ ràng hơn nhiều.
Rượu và thú vui trần thế
Những người uống rượu với mức độ vừa phải thì sẽ
giảm 40-70% nguy cơ mắc bệnh động mạch vành so với những người không uống hoặc
uống quá nhiều rượu. Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu uống rượu điều độ, nhất
là với các loại rượu vang đỏ, người sử dụng ít bị bệnh Parkinson và thoái não
khi lớn tuổi.
Ở những người bình thường, với đàn ông có thể
uống dưới 21 ly rượu/tuần và dưới 14 ly/tuần với phụ nữ. Thực tế ít người biết
dừng lại ở mức độ cho phép và rượu cũng là nguyên nhân gây ra bao thảm cảnh cho
mỗi con người, mỗi gia đình và cho cả xã hội. Làm thế nào để dung hòa được giữa
sức khỏe và "thú vui trần thế" là bài toán nan giải vì thật sự sự tồn
tại của mỗi con người khó thể tách rời hai lĩnh vực trên.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh)