ĐỘ
AN TOÀN CỦA CÁC VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT THƯỜNG DÙNG
Chế phẩm
bổ sung, trong đó, phổ biến nhất là vitamin và khoáng chất, được sử dụng rất rộng
rãi do tâm lý người sử dụng nghĩ các chế phẩm này an toàn. Thông tin quảng cáo
vitamin và khoáng chất cũng thường nhắc đến lợi ích trong khi rất ít khi đề cập
đến nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên, tương tự như thuốc, các vitamin và khoáng chất
có thể tiềm tàng các nguy cơ như phản ứng có hại, tương tác thuốc, tốn kém chi
phí, trì hoãn điều trị bằng phương pháp hiệu quả hơn, gây ảo tưởng về hiệu quả
và tăng gánh nặng sử dụng thuốc. Một số thành phần trong chế phẩm bổ sung đã được
ghi nhận có thể gây ra tác dụng bất lợi, đặc biệt là khi dùng với liều cao, ví
dụ liều cao vitamin A và selen.
Tại
các cơ sở y tế, một số vitamin và khoáng chất được sử dụng để điều trị hoặc
phòng ngừa các tình trạng thiếu hụt các yếu tố vi lượng và một số bệnh lý khác.
Ví dụ, vitamin B3 được sử dụng trong rối loạn lipid máu hay acid folic được sử
dụng trong thai kỳ để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Liều của một hoạt chất thường
căn cứ trên nghiên cứu chứng minh ở mức liều đó, lợi ích vượt trội so với nguy
cơ. Vì vậy, liều lượng chính là yếu tố quan trọng trong việc sử dụng an toàn
các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, khi tự mua các chế phẩm chứa vitamin và
khoáng chất trên thị trường, bệnh nhân hiếm khi cân nhắc đến liều hiệu quả hoặc
an toàn. Trên thực tế, nguy cơ quá liều khi dùng nhiều chế phẩm cùng có một
thành phần (ví dụ pyridoxin hoặc vitamin A) thường bị bỏ qua. Khi khai thác tiền
sử, nhân viên y tế nên hỏi thêm bệnh nhân về các vitamin và khoáng chất mà họ
đang sử dụng để đánh giá được cả hiệu quả và an toàn cũng như nguy cơ quá liều
tích lũy từ nhiều chế phẩm khác nhau.
Dưới
đây là thông tin tổng hợp về độ an toàn của các vitamin và khoáng chất thường gặp:
Vitamin A:
Vitamin A, còn được gọi là retinol, có thể gây ngộ độc cấp tính và mạn tính. Ngộ
độc cấp tính xảy ra chủ yếu là do vô tình uống ≥ 300.000 IU vitamin A. Dấu hiệu
và triệu chứng ngộ độc bao gồm đau đầu, mờ mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn và giảm
phối hợp vận động thứ phát do tăng áp lực nội sọ. Ngộ độc vitamin A có thể xảy
ra khi thường xuyên uống >10.000 IU mỗi ngày (có thể bao gồm cả retinoid tổng
hợp). Triệu chứng thừa vitamin A mạn tính bao gồm bong da, suy gan, mất thị lực
và tăng áp lực nội sọ nghiêm trọng. Sử dụng vitamin A ở phụ nữ mang thai có thể
liên quan đến dị tật bẩm sinh. Uống vitamin A liều cao (>15.000 IU/ ngày từ
chế độ ăn kết hợp với chế phẩm bổ sung hoặc >10.000 IU/ngày chỉ từ chế phẩm
bổ sung) có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ mắc dị tật sọ mặt cũng như hệ thần
kinh trung ương, tim và bất thường chi.
Vitamin B3: Sử dụng
liều trung bình đến cao của vitamin B3 (niacin/acid micotinic) (≥500 mg/ngày)
thường liên quan đến tác dụng giãn mạch ngoại vi gây ra đỏ bừng da, cảm giác
nóng rát, ngứa toàn thân và hạ huyết áp, triệu chứng kéo dài khoảng 20- Trung
tâm DI & ADR Quốc gia 2 | Bản tin Cảnh giác dược | Số 2&3 -2023 30 phút
và giảm dần về mức độ và tần suất theo thời gian. Niacin cũng gây ra giãn mạch ở
mắt, có thể dẫn đến phù hoàng điểm dạng nang có thể phục hồi, với tỷ lệ 0,67% bệnh
nhân sử dụng liều 3-4,5 g niacin mỗi ngày. Sử dụng niacin liều ≥ 3g/ngày gây mờ
mắt, phù mí mắt, giảm thị lực do nhiễm độc, lồi mắt, rụng lông mi, lông mày và
viêm giác mạc chấm nông.
Vitamin B6:
Vitamin B6 (pyridoxin) có liên quan đến bệnh thần kinh ngoại vi nghiêm trọng,
thường xảy ra ở liều > 200 mg/ ngày.
Vitamin C: Acid
hóa nước tiểu do bổ sung vitamin C (acid ascorbic) với liều thấp 250 mg/ngày có
liên quan đến tạo tủa sỏi thận cystein, urat hoặc oxalat, đặc biệt là ở nam giới
và người có nguy cơ bị sỏi thận.
Vitamin D:
Vitamin D (cholecalciferol) với liều 1000-2000 IU/ngày có thể dung nạp tốt. Tuy
nhiên, báo cáo về ngộ độc vitamin D có xu hướng tăng lên, có thể liên quan đến
sai sót trong sản xuất, kê đơn và tăng sử dụng các chế phẩm vitamin D liều cao.
Ngộ độc vitamin D biểu hiện bởi tăng nồng độ calci huyết và các triệu chứng
khác nhau như khát nước, đa niệu đến co giật, hôn mê và tử vong. Vitamin D liều
cao từ 300.000-500.000 IU tiêm bắp hàng năm để điều trị loãng xương có liên
quan đến việc tăng nguy cơ gãy xương. Liều 4.000-10.000 IU/ ngày liên quan đến
giảm mật độ xương.
Vitamin E:
Vitamin E có liên quan đến tác dụng kháng tiểu cầu. Hai thử nghiệm lâm sàng đã
cho thấy tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não ở những người sử dụng
alpha-tocopherol. Hai phân tích gộp các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cũng đặt
ra câu hỏi về sự an toàn của việc sử dụng vitamin E liều cao hằng ngày ≥ 400 IU
trong hơn một năm. Các phân tích cho thấy có sự liên quan giữa việc bổ sung
vitamin E với sự gia tăng nhỏ nhưng có ý nghĩa thống kê tỷ lệ tử vong do mọi
nguyên nhân.
Calci: Việc bổ sung calci, đặc biệt là ở dạng muối
carbonat, có thể gây trào ngược dạ dày và táo bón. Calci liều cao có thể gây
vôi hóa mạch máu và mô mềm, tăng calci niệu, sỏi thận và suy tuyến cận giáp thứ
phát. Calci cũng gây cản trở việc hấp thu magie, sắt và kẽm trong trường hợp sử
dụng đồng thời.
Magie: Magie
liều cao từ các chế phẩm bổ sung hoặc chế phẩm thuốc thường gây tiêu chảy, buồn
nôn và đau quặn bụng do tác dụng thẩm thấu của các muối không được hấp thu ở ruột.
Các loại muối có khả năng cao gây tiêu chảy bao gồm muối magie carbonat,
clorid, gluconat và oxyd. Các triệu chứng tăng magie máu thường xuất hiện khi nồng
độ magie huyết thanh vượt quá 1,74 - 2,61 mmol/L kèm theo các triệu chứng hạ
huyết áp, buồn nôn, nôn, đỏ bừng mặt, bí tiểu, tắc ruột, trầm cảm và mệt mỏi.
Các triệu chứng có thể diễn tiến thành yếu cơ, khó thở, tụt hạ huyết áp, loạn
nhịp tim và ngừng tim.
Kẽm: Kẽm, kể cả với liều lượng nhỏ,
cũng có liên quan đến tác dụng không mong muốn trên vị giác và khứu giác. Sử dụng
kẽm liều cao ngắn ngày (>40 mg/ngày) có thể gây buồn nôn, nôn, đau quặn bụng,
tiêu chảy và đau đầu. Đã có bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng kẽm liều cao kéo
dài có thể gây ra tình trạng thiếu đồng. Trong nghiên cứu Bệnh về mắt liên quan
đến tuổi (AREDS), việc sử dụng kẽm oxyd liều 80 mg/ngày trong trung bình 6,3
năm có liên quan đến việc tăng đáng kể tỷ lệ nhập viện do các nguyên nhân niệu
- sinh dục. Sử dụng kẽm liều cao kéo dài cũng gây ảnh hưởng xấu đến tuyến tiền
liệt.
Selen: Ngộ độc
selen có thể xảy ra khi sử dụng liều cao ngắn ngày hoặc dài ngày. Các dấu hiệu
sớm của việc sử dụng quá liều selen là hơi thở có mùi tỏi và miệng có vị kim loại.
Dấu hiệu của nhiễm độc selen mạn tính bao gồm rụng tóc, gãy móng, giòn móng, tổn
thương da và hệ thần kinh, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, răng lốm đốm, mệt mỏi
và dễ cáu gắt.
Muối sắt: Tác dụng
không mong muốn của các chế phẩm bổ sung sắt đường uống phụ thuộc liều. Do đó,
điều quan trọng để dự đoán độc tính là xác định lượng sắt nguyên tố đang sử dụng.
Một số sản phẩm bổ sung sắt chỉ chứa liều lượng nhỏ (10-20 mg sắt/đơn vị) giúp
làm giảm nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn nhưng cũng làm giảm lợi ích. Tác
dụng không mong muốn điển hình của sắt ở liều điều trị (100-200 mg/ngày) bao gồm
đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy và đi ngoài phân đen. Các chế phẩm
sắt dạng lỏng còn có thể gây đen răng.
Acid folic: Acid
folic được dung nạp tốt từ các chế phẩm bổ sung với lên đến 1 mg/ ngày khi sử dụng
theo chỉ định. Liều từ 5 -15 mg/ngày có liên quan đến một số tác dụng không
mong muốn trên đường tiêu hóa bao gồm đau quặn bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đầy
hơi và miệng có vị đắng. Do có tác dụng đối kháng, acid folic làm giảm tác dụng
phụ của methotrexat sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, acid
folic có thể làm giảm hiệu quả của methotrexat trong điều trị bệnh bạch cầu
nguyên bào lympho cấp tính và bệnh vẩy nến. Thừa folat hoặc acid folic có thể
che giấu tình trạng thiếu hụt vitamin B12.
Kết luận: Các
chế phẩm bổ sung chỉ có ít lợi ích trong khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cần lưu ý,
không cần sử dụng vitamin hoặc các chế phẩm bổ sung cho những người bình thường
khỏe mạnh, không mang thai hoặc cho con bú và người có chế độ ăn uống cân bằng.
Bệnh nhân nên cân nhắc lợi ích - nguy cơ trước khi đưa ra sử dụng các chế phẩm
bổ sung. Các nhà sản xuất cũng nên làm rõ các thông tin về nguy cơ để người sử
dụng có thể hiểu và đưa ra quyết định sử dụng phù hợp.
Ds. Đặng Xuân Đào
Theo http://canhgiacduoc.org.vn/SiteData/3/UserFiles/BT_CGD_So2_3_2023(1).pdf " Kim Thị Khánh Huyền, Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Mai Hoa"