Truyền thông giáo dục sức khỏe
Bố mẹ đã biết chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách?
[ Cập nhật vào ngày (08/06/2022) ] - [ Số lần xem: 306 ]
sưu tầm
sưu tầm

Việc gia tăng trẻ mắc tiêu chảy trong thời gian qua khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy là bệnh không mới nhưng việc chăm sóc trẻ đúng cách để nhanh "cắt cơn" tiêu chảy, giúp trẻ hồi phục sức khoẻ thì không phải bố mẹ nào cũng biết.


1. Bù nước, điện giải

Bù nước, điện giải có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh tiêu chảy, trẻ càng tiêu chảy nhiều thì càng phải uống bù lượng dịch và điện giải đã mất. Các loại dịch có thể chia làm 2 nhóm:

Các dung dịch chứa muối: Dung dịch oresol, nước cháo muối, nước cơm muối, súp rau quả, súp gà, súp thịt...
Các dung dịch không chứa muối như nước sạch, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường.

- Đối với trẻ còn bú mẹ: Cho trẻ bú mẹ nhiều lần hơn và mỗi lần bú kéo dài hơn. Bổ sung oresol sau mỗi lần bú mẹ. Bù dịch liên tục cho trẻ đến khi ngừng tiêu chảy, cho trẻ uống thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng thìa.

Nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó cho trẻ tiếp tục uống nhưng chậm hơn chế độ ăn.

- Với trẻ ăn sữa công thức: Nên sử dụng sữa có nồng độ đường lactose giảm ngay sau khi phụ đủ lượng nước và điện giải để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và yếu tố vi lượng cần thiết cho trẻ. Nếu trẻ thực sự không dung nạp đường lactose thì tiêu chảy sẽ nặng hơn khi sử dụng sữa có đường lactose nên những trường hợp này phải dùng sữa không có đường lactose.

- Đối với trẻ ăn bổ sung: Cần nhanh chóng tập cho trẻ làm quen dần lại với thức ăn đa dạng. Ăn theo ô vuông thức ăn đủ thành phần 4 nhóm chất: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất đảm bảo cung cấp đủ năng lượng để bắt kịp và phục hồi lại tình trạng dinh dưỡng.

Cung cấp đủ các loại vitamin và khoáng chất đặc biệt vitamin A, kali và kẽm thông qua các thực phẩm giàu kẽm và kali. Thức ăn nên mềm nhuyễn, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa. Tránh ăn khối lượng lớn vì gây tăng kích thích ở ruột.

- Khi trẻ khỏi bệnh cần cho trẻ "ăn bù", tăng thêm cho trẻ 1 bữa so với bình thường trong 2 tuần để đảm bảo hồi phục cân nặng.

Bố mẹ đã biết chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách? - Ảnh 2.

Việc trẻ bị tiêu chảy khiến cho cơ thể mất nhiều dinh dưỡng dẫn đến xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như mất nước và suy dinh dưỡng. Để giúp trẻ phục hồi nhanh sau tiêu chảy và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn uống đầy đủ và khoa học.

2. Thực phẩm nên dùng cho trẻ bị tiêu chảy

Chuối: Thực phẩm này tốt cho tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Hàm lượng kali trong chuối cao giúp cho việc bổ sung kali bị mất đi trong tiêu chảy. Chuối cũng giàu pectin và inulin là chất xơ hòa tan giúp cho việc hấp thu dịch trong lòng ruột.

- Gạo: Gạo có ít chất xơ nên dễ tiêu hóa và hấp thu. Có thể dùng gạo để nấu bột, nấu cháo, nấu cơm hoặc rang lên đun lấy nước uống bù dịch cho trẻ.

- Táo: Táo là nguồn thực phẩm cung cấp dồi dào pectin. Tuy nhiên chất xơ của táo rất khó để ruột hấp thu. Khi táo được đun chín thì dễ hấp thu hơn, nước táo chín rất tốt cho việc hấp thu cũng như cung cấp pectin và các chất dinh dưỡng khác.

- Khoai tây: Khoai tây vừa bổ sung nguồn tinh bột vừa bổ sung chất xơ hòa tan. Ngoài ra khoai tây còn chứa nhiều kali giúp bồi phụ đủ lượng kali đã mất khi bị tiêu chảy.

- Thịt: Thịt là nguồn dinh dưỡng rất tốt cung cấp protein và các dưỡng chất quan trọng khác như kẽm, vitamin...

- Sữa chua: Nhìn chung trong giai đoạn tiêu chảy, các sản phẩm từ sữa nên hạn chế nhưng sữa chua thì khác. Sữa chua có nhiều lactosebacillus acidophilus và bifidobacterium bifidum. Chúng là probiotic giúp cho sự cân bằng hệ vi khuẩn chi đường ruột.

Tránh cho trẻ mắc tiêu chảy ăn khối lượng lớn thức ăn vì gây tăng kích thích ở ruột. Ảnh minh hoạ.

3. Thực phẩm không nên dùng cho trẻ bị tiêu chảy

- Đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên, xào, rán: Những loại thực phẩm này có nhiều chất béo làm trẻ khó tiêu và làm giảm khả năng trống của dạ dày, nhiều chất béo còn gây tình trạng tăng co bóp ở ruột.

- Thực phẩm có đường và chất ngọt nhân tạo: Khi đường vào đại tràng làm gián đoạn các vi khuẩn đã nhạy cảm ở đó, làm tăng thẩm thấu nước gây tiêu chảy thêm.

- Sản phẩm từ sữa: như phomai, kem, bơ không nên dùng cho trẻ bị tiêu chảy vì khi tiêu chảy, một lượng men lactase sẽ bị mất nên không tiêu hóa hết lượng đường lactose có trong sữa và sản phẩm từ sữa.

- Các thực phẩm sinh hơi: như đậu đỗ, cải bắp, súp lơ, hành, cải xanh, nước ngọt có ga... làm trẻ bị đầy hơi, khó chịu, dễ no bụng nên ăn uống kém hơn.

4. Lời khuyên từ bác sĩ

Khi trẻ bị tiêu chảy làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruộtmất nước, điện giải. Trẻ thường ăn uống kém, không đủ thành phần chất đinh dưỡng thì bố mẹ có thể bổ sung men vi sinh, kẽm và vitamin. Tùy theo độ tuổi khác nhau mà bổ sung hàm lượng khác nhau, tốt nhất bổ mẹ bổ sung cho con theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý bổ sung tránh gây thừa, thiếu ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

Hiện nay, có một số phụ huynh cho rằng khi con mắc bệnh cần tẩm bổ các loại thực phẩm như đông trùng hạ thảo, yến, thực phẩm chức năng khác… với mong muốn ăn càng nhiều càng bổ. Tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì chỉ khi sử dụng điều độ, đúng liều lượng theo từng độ tuổi mới mang lại lợi ích cho sức khỏe của trẻ.

Chẳng hạn, đông trùng hạ thảo chỉ nên dùng cho người lớn mà không nên dùng cho trẻ con; yến cũng chỉ nên dùng cho trẻ trên 18 tháng tuổi… Do vậy, cha mẹ không nên tùy tiện nghe theo mách bảo trong việc chăm sóc sức khỏe của con em mình.

Để chủ động phòng chống tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng:

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
  • Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
  • Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.



admin Theo https://suckhoedoisong.vn/



Các ý kiến của bạn đọc





LIÊN HỆ

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN PHƯỚC LONG
Địa chỉ: Ấp Long Thành, Thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu

Điện thoại: (84-0291)3 864 279
Cấp cứu: 02913.864.191

Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 18/8/2014 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI

Trung Tâm Y Tế Huyện Phước Long